Trong khuôn khổ sự kiện Sound City 2015 đang tổ chức tại Liverpool (Anh), lãnh đạo bộ phận marketing giải trí của Facebook tại Châu Âu, Trung Đông và Châu Á lý giải về “sai lầm lớn nhất” của tất cả các thương hiệu trên Facebook: quá tập trung vào số lượng like thu nhặt được trên Facebook.
Trong số 82 triệu ‘fan’ trên trang Facebook của Read Madrid, có lẽ hàng triệu người thực chất lại là fan của… Barca hoặc M.U.
“Nhấn Like để trúng thưởng”. “Click Like để theo dõi thêm thông tin”. Gần như bất cứ nơi nào trên Facebook, bạn cũng đều được các fanpage (trang hâm mộ) “xin” like. Song, theo tuyên bố mới nhất đến từ mạng xã hội số 1 hành tinh, việc chạy theo số lượng Like một cách mù quáng như vậy đang là “sai lầm lớn nhất mà quá nhiều người mắc phải”.
Trong khuôn khổ sự kiện Sound City 2015, ông Liall Fagan, lãnh đạo bộ phận marketing giải trí của Facebook tại khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Á cho biết khẳng định: “Tôi muốn nói một cách rất trung thực rằng, số lượng fan không phải là một thông số mà bất kỳ ai cũng nên theo dõi trên Facebook. Đừng cố thu hút số lượt fan trên fanpage chỉ vì lý do sĩ diện”.
Được Facebook ra mắt từ năm 2009, biểu tượng “Like” giờ đã trở thành một trong những hình ảnh dễ nhận biết nhất của cộng đồng mạng trên toàn thế giới. Được áp dụng cho từng bài post, từng bức ảnh, từng trang fanpage và cho cả các trang web độc lập 0, nút Like của bạn sẽ giúp kết nối bạn và các thương hiệu nổi tiếng. Các tập đoàn lớn, các công ty khởi nghiệp, các ngôi sao ca nhạc, phim ảnh và rất nhiều các thương hiệu khác đang cố gắng chạy đua số lượt Like cho fanpage của họ.
“Facebook đã sai lầm khi tạo ra hiện tượng này. [Chạy theo số lượt Like cho fanpage"> là sai lầm lớn nhất mà người ta đang mắc phải… Phần lớn các trang fanpage đều tìm kiếm người hâm mộ một cách sai lầm, ví dụ như thông qua các cuộc thi đấu hay giải thưởng chẳng hạn”, vị giám đốc marketing của Facebook khẳng định.
Một công viên nước tại Israel thậm chí còn phát vòng đeo tay chứa chip RFID để “câu Like” cho fanpage của mình
Theo quan niệm thông thường, khi sở hữu càng nhiều lượt Like trên fanpage, các thương hiệu có thể truyền tải thông điệp của mình tới một lượng người đông đảo hơn. Song, quan niệm này đã trở nên sai lệch: thuật toán của Facebook mới là yếu tố quyết định bài đăng nào sẽ có mặt trên News Feed của người dùng. Vào năm ngoái, Facebook nâng cấp thuật toán này để phát hiện và lọc bớt các bài đăng có nội dung được cho là “mang tính chất quảng cáo hoặc câu view” đến từ các fanpage khỏi News Feed của người dùng phổ thông. Với số lượng fanpage đông đảo như hiện nay, gần như chắc chắn bài đăng của các fanpage “không liên quan” sẽ khó lòng xuất hiện trên Bảng Tin (Newsfeed) của các “fan” đã click nút like từ trước: “Khi lưu lượng thực tế (số người click vào xem các bài viết không được trả tiền) giảm xuống, bạn chẳng truyền tải thông điệp tới ai được cả. Số lượng fan trên trang có thể là một con số rất đẹp, nhưng trừ khi bạn trả tiền, không một ai trong số này sẽ nhìn thấy nội dung của bạn”.
Và thực tế là không phải bất kỳ ai đã từng nhấn vào nút “Like” trên mỗi fanpage cũng đều là “fan” của ngôi sao/thương hiệu sở hữu fanpage này. Theo ông Fagan, “Hãy nhìn vào các câu lạc bộ bóng đá tại Anh hay tại bất cứ nơi đâu, nếu như họ có 50 triệu fan, thì có khoảng 25 triệu ‘fan’ trong số đó thực chất lại là fan của các câu lạc bộ đối thủ”.
Làm thế nào để tìm ra các fan thực sự quan tâm đến thương hiệu của bạn?
Lời giải của Facebook là một tính năng có tên “Lookalike Audience” (tạm dịch: Khán giả Tương đồng): “Cách duy nhất để tìm ra các fan thực sự của Real Madrid vẫn là thông qua các bài đăng trên trang của bạn, nhưng hãy lựa chọn mục tiêu quảng bá là những người đã từng đến sân Bernabau, những người cũng là fan hâm mộ của Ronaldo – họ là những người hâm mộ một cầu thủ mà những đội bóng khác không hề coi là người hùng. Đó là cách duy nhất bạn có thể chạm tới các fan thực thụ”.
Theo ông Fagan, Lookalike Audience cũng sẽ giúp cho các fanpage thu phục thêm các fan mới: “Ví dụ, nếu bạn đăng tải một đoạn video cho 100.000 xem, và 10.000 người trong số đó xem toàn bộ đoạn video, Facebook sẽ thông báo cho bạn ‘Đây là 10.000 fan thực thụ’… Bạn có thể sử dụng Lookalike Audience để tìm ra những người giống như 10.000 fan thực thụ nói trên: những người sống ở London, độ tuổi trên 18, giới tính nam… Đây là quảng cáo hướng đối tượng”.
Điều này có nghĩa rằng, để các bài đăng trên trang fanpage của bạn là có nghĩa, và bạn sẽ phải trả tiền cho Facebook để mạng xã hội này có thể “giúp” bạn tìm ra những người thực sự hâm mộ thương hiệu của bạn (và sau đó thuyết phục họ bỏ tiền ra mua đĩa nhạc, đặt hàng hay đi tới sân vận động). Vị giám đốc marketing của Facebook thừa nhận một sự thật không mấy dễ chịu: “Tất cả các khách hàng của tôi đều rất mệt mỏi vì phải trả tiền cho Facebook. Nhưng cũng giống như Channel 4 (một đài truyền hình miễn phí với doanh thu duy nhất từ quảng cáo) hay bất kỳ tạp chí nào khác: bạn phải trả tiền để được truyền tải nội dung của mình”.
Trong bối cảnh người ta đang “vung vãi” Like, các thương hiệu cần phải trả tiền cho Facebook để tìm ra đối tượng quảng cáo thực sự tiềm năng
Cuối cùng, vị giám đốc của Facebook tại Châu Âu và Châu Á lý giải vì sao bạn cần phải trả tiền cho Facebook… một cách thông minh: “Tất cả những gì Facebook đang muốn nói là: ‘Đúng, bạn phải trả tiền để được đăng tải nội dung của bạn’, nhưng chúng tôi đang cung cấp cho các bạn nền tảng để làm điều đó và để lựa chọn một cách thông minh xem nội dung đó sẽ được đưa tới những người nào. Lý do người ta phải chi trả quá nhiều cho mỗi mẩu quảng cáo là bởi vì người ta đưa các mẩu quảng cáo này đến cả những đối tượng không phù hợp!”.